- Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí.
Viêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không?
- Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi vi khuẩn hay virus kẹt trong cơ quan này, chúng sinh sôi nảy nở và tạo nên những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, một số loại virus cũng gây nên bệnh này.
- Bệnh có thể xuất hiện khi bé đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Lúc này, dịch nhầy tiết ra trong phổi trở thành nguồn dinh dưỡng béo bở cho vi trùng. Sau vài ngày, vi khuẩn và virus có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở, tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn.
- Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 2 tuổi hay gặp hơn. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Theo tổ chức y tế thế giới và UNICEF, năm 2015, khoảng 16% trẻ tử vong dưới 5 tuổi là do viêm phổi.
Trẻ nào có nguy cơ viêm phổi cao?
- Trẻ sống trong không gian chật chội, ô nhiễm môi trường trong nhà và xung quanh. Đặc biệt nếu trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp lò than…
- Trẻ em ở độ tuổi đến trường thường dễ bị bệnh hoặc mang các tác nhân gây bệnh về lây nhiễm cho anh chị em trong gia đình.
- Trẻ có khả năng miễn dịch thấp (trẻ đẻ non, trẻ không được bú mẹ, suy dinh dưỡng) hoặc mắc các chứng bệnh mạn tính như: bệnh tim bẩm sinh, xơ hóa phế quản phổi, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn miễn dịch bẩm sinh và mắc phải…
Các biểu hiện viêm phổi nặng?
- Trẻ khó thở, nhịp thở nhanh (<2 tháng:≥ 60 lần/phút. 2-12 tháng:≥50 lần/phút. 1-5 tuổi:≥ 40 lần/phút); bú kém; phập phồng cánh mũi; co kéo cơ liên sườn, rút lõm lồng ngực, hõm ức; đau ngực khi ho hoặc thở sâu; tím môi, tím đầu chi và có thể có cơn ngừng thở.
Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em như thế nào?
- Đảm bảo cho trẻ có một sức khỏe tốt. Khi mang thai, bà mẹ phải khám thai đầy đủ, đảm bảo thai nhi phát triển tốt, có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng như protid, lipid, các loại vitamin, muối khoáng… Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi để cơ thể trẻ phát triển toàn diện và khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.
- Trẻ bị viêm phổi không phải hoàn toàn do trẻ không được mặc ấm, vì thời tiết nóng hoặc lạnh (như chúng ta thường nghĩ…), mà chủ yếu do trẻ bị nhiễm từ cộng đồng (trong gia đình hoặc bên ngoài). Do vậy, cần tạo cho trẻ có môi trường sống trong lành: không khói thuốc lá và các ô nhiễm khác.
- Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo qui định. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, nhằm tạo cho trẻ có miễn dịch chủ động chống lại bệnh tật khi bị lây nhiễm. Tiêm chủng không chỉ phòng tác nhân gây bệnh đường hô hấp mà còn phòng nhiều bệnh lý khác, góp phần tạo nên cơ thể khỏe mạnh thì nguy cơ bị viêm phổi cũng được hạn chế.
- Phát hiện sớm các biểu hiện sớm của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở… và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân… để chăm sóc và điều trị kịp thời.